A marvelous race of 97-year-olds

Thông qua sách, những vấn đề của chế độ thực dân ở Nam Kỳ được thể hiện rõ, từ đây có thể suy rộng ra tình hình nước Việt trong khoảng thời gian bị Pháp đô hộ.

Điều khiến mọi người bất ngờ hơn cả khi tác giả lên nhận giải thưởng là một ông cụ đã 97 tuổi. Ở tuổi xưa nay hiếm, người ta phải chiến đấu với bệnh tuổi già, được con cháu chăm sóc chu đáo thì nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài với nghiên cứu và viết lách.

Tràn đầy niềm vui với giải thưởng mới, nhà nghiên cứu 97 tuổi chia sẻ với Zing.vn quá trình tạo nên bộ sách lịch sử kỳ công và vui buồn của nghề nghiên cứu.

Photo_1

Cuoc chay dua voi thoi gian day ky dieu cua cu gia 97 tuoi hinh anh 6

– Tác phẩm Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1958-1954) nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn và đoạt giải A Sách Hay của Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay. Mọi người bất ngờ vì tác giả của sách là người ở tuổi xưa nay hiếm, còn ông cảm thấy thế nào?

– Tôi mừng lắm vì mọi người đã hiểu và đánh giá cao sự tìm tòi, cố gắng của tôi đối với đề tài này. Ở tuổi gần đất xa trời, việc viết sách với tôi không phải nhằm tìm kiếm, chinh phục một giải thưởng, danh hiệu nào mà đó là niềm vui, đam mê lớn của mình.

May mắn ở tuổi này trí óc của tôi vẫn minh mẫn nên say mê làm việc mỗi ngày. Tôi phải chạy đua với thời gian còn lại ngắn ngủi để làm những việc mình yêu thích và có chút hữu ích với đời.

Hiện, tôi sắp bổ sung hoàn thiện cuốn Đường phố nội thành TP. HCM để chuẩn bị cho lần tái bản sắp tới. Song song đó, tôi làm cuốn Địa danh hành chánh Trung Bộ, Bắc Bộ.

Bao năm qua tôi cứ lầm lũi, đơn thương độc mã một mình nghiên cứu và viết. Với công trình này, nếu là một đề tài quốc gia có khi phải huy động một ban bệ với nhiều kinh phí. Còn tôi một mình làm tất cả trong 5 năm. Vì vậy tôi tự hào về những gì mình làm được.

– Động lực nào giúp ông có đủ kiên trì theo đuổi một đề tài lớn và rộng đến thế?

– Đầu tiên, tôi đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 để tìm tài liệu nghiên cứu thực hiện quyển Non nước Phú Yên. Lúc này tôi phát hiện những nghị định, xác lệnh của thực dân Pháp khi chiếm đóng Nam Kỳ ghi cụ thể về mỗi sự việc. Tôi đã ghi chép và photo lại một số tài liệu.

Bẵng đi mười mấy năm, tôi đến trung tâm tìm kiếm tài liệu thì bất ngờ khi trong mục lục ghi những tạp chí Công báo do Pháp xuất bản tôi đã đọc thì đã không còn phục vụ được vì bị rách nát. Nghĩ rằng những tài liệu quý muốn đọc thì không được phục vụ nữa tôi quyết tâm đặt bút viết.

Hơn nữa chế độ Pháp đã đi qua 100 năm mà không có một tác phẩm tập trung về vấn đề này mà chỉ có những đề tài nhỏ lẻ. Cuốn sách của tôi sẽ là tác phẩm toàn diện với nhiều lĩnh vực bao quát toàn đời sống.

Cuoc chay dua voi thoi gian day ky dieu cua cu gia 97 tuoi hinh anh 9

– Vậy để hoàn thành 2 cuốn sách dày hơn 1000 trang, ông đã làm việc thế nào trong suốt những năm đó?

– Tôi đã dành 4 năm đọc tài liệu ở Trung tâm lưu trữ quốc gia 2. Mỗi ngày tôi đến đây vào buổi sáng, đọc tài liệu đến trưa, sau đó ra ngoài ăn cơm hộp. Trong lúc chờ mở cửa, tôi trải áo mưa, nằm tạm ở sàn nhà của trung tâm. Tối về, tôi lại ngồi viết đến 11h. Đôi khi tôi viết say sưa thì đến 12h mới đi ngủ.

– Thời gian biểu làm việc của ông khó ai tin đó là của một người đã gần 100 tuổi. Ông không biết mệt mỏi và nghĩ mình cần nghỉ ngơi?

– Tôi tìm thấy niềm vui trong công việc này nên không có cảm giác khổ sở vì nó. Nhiều người nhìn vào thời gian làm việc của tôi và nói rằng tại sao tôi phải khổ thế. Ăn cơm bụi, nằm ngay sàn nhà của trung tâm lưu trữ quốc gia là không đáng với người đã 97 tuổi như tôi. Tôi lại quan niệm khác.

Với tôi vật chất, sang giàu chỉ là phù du, tạm bợ của cuộc đời nên bản thân chưa bao giờ đặt nặng. Điều tôi muốn là để lại cho đời những cuốn sách, tài liệu hữu ích. Tôi nghiệm ra giá trị của mỗi con người không phải ở tài sản mà những gì họ đóng góp. Khi đọc những áng văn thơ của các nhà thơ dân tộc, chúng ta đâu có nghĩ nhiều đến việc họ giàu sang thế nào, ở nhà rộng bao nhiêu mà điều ta quan tâm và kính phục là họ viết hay quá.

Cũng vì có niềm vui trong công việc nên tôi làm việc không biết mệt mỏi. Tôi cũng may mắn có sức khỏe tốt. Ở tuổi này không biết đến đau vai, đau chân. Hàng ngày, tôi vẫn đi lại lên xuống cầu thang bình thường. Nhờ việc chăm tập thể dục 2 lần trong ngày và ăn uống ngủ nghỉ điều độ nên tôi có sức khỏe tốt.

– Niềm vui của nhà nghiên cứu với công việc thầm lặng vừa khó vừa khổ là gì?

– Nghiên cứu cũng có niềm vui của nó. Khi tìm được tư liệu gì mình cần thì cảm giác không có niềm vui gì trên đời lớn bằng. Chẳng hạn, viết về các vấn đề của Nam Kỳ, tôi thấy người ta viết đơn sơ quá, không trả lời được thắc mắc của mình. Khi tôi tìm được tư liệu gốc của Pháp, trả lời được mọi thắc mắc trong lòng về thời gian, địa điểm, lý do của sự việc, công trình… thì vui mừng vô cùng.

Còn mọi việc trên đời tôi xem nhẹ và ít nặng lòng lắm. Trong cuộc sống nếu gặp trắc trở gì tôi tìm đến đạo Phật để xua tan đi.